3 câu chuyện lý giải vì sao Viettel “oanh tạc” thị trường nước ngoài

Năm 2015, Viettel đạt doanh thu 1,5 tỷ USD từ thị trường nước ngoài và thu hồi khoảng 80% vốn đã đầu tư tại 10 thị trường. Ở nhiều nơi, Viettel nhanh chóng vươn lên vị trí số 1 trong thời gian ngắn. 3 câu chuyện dưới đây phần nào giải thích cho sự thành công của Viettel khi “mang chuông đi đánh xứ người”.

Dùng dân vận để đi thuê nhà trạm

Chúng tôi đến tỉnh Lindi của Tanzania vào ngày đầu tháng 6/2015 đúng thời điểm chạy đua nước rút để hoàn thành tiến độ xây dựng mạng lưới. Lindi được Ban lãnh đạo Viettel Tanzania chọn làm địa điểm thực hiện cuộc gọi đầu tiên vào ngày 15/6. Vì vậy, tiến độ xây dựng mạng lưới được triển khai 24/7 để đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch. Trong bữa cơm tối thân mật, ông Phạm Thanh Quang, Giám đốc Viettel tại tỉnh Mtwara (một tỉnh khác của Tanzania và ông Quang từng phụ trách tỉnh Lindi – PV) kể cho chúng tôi nghe cái thời đầu tiên đặt chân đến đây: “Thời mới chân ướt chân ráo xuống Lindi khổ lắm. Mãi mới tìm được chỗ thuê nhà để ở tạm, kế đến là đi tìm chỗ thuê đặt trụ sở. Ở Lindi, chỗ ăn uống cũng chả có mà anh em đâu có nhiều tiền. Vì vậy, đến tối về là lôi nồi niêu ra tự nấu cơm ăn.

Viettel dựng trạm thu phát sóng tại Tanzania

Cũng theo ông Quang, ngay sau khi thuê được trụ sở, anh em bắt tay ngay vào xây dựng nhà trạm để triển khai mạng lưới. Để xuống các địa bàn, tìm địa điểm thuê vị trí đặt trạm, anh em gặp phương tiện gì đi phương tiện đó, nhiều khi phải đi bộ hai ba ngày. Có khi, cả tuần anh em mất liên lạc với nhau. Gian truân không kể sao cho hết. Tìm được địa điểm đã khó, đàm phán thuê vị trí đặt trạm cũng khắc nghiệt không kém. Chi phí thuê trạm phải rẻ, do đó việc đàm phán không hề dễ dàng. Nhiều người bản địa không đồng ý cho thuê địa điểm vì khi tham khảo giá các mạng khác, họ thấy Viettel trả giá quá thấp. “Tôi nhớ một hôm đến đàm phán thuê địa điểm đặt nhà trạm thì ông chủ nhà từ đâu về đỗ xịch ô tô trước mặt chúng tôi quát: “Chúng mày biết tao mua cái nhà này bao nhiêu tiền hay không mà trả tiền thuê địa điểm với giá đó. Chúng mày cút về Việt Nam đi”. Cuối cùng, thông qua thương lượng, mọi việc cũng êm xuôi”, ông Quang nhớ lại.

Ông Phạm Thanh Quang, Giám đốc Viettel tại tỉnh Mtwara 

“Cái khó ló cái khôn, khi khó khăn, anh em đã phải sử dụng đến chiêu thức dân vận. Đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người. Bằng nhiều cách thức thuyết phục như: thiết kế trạm của Viettel không tốn nhiều diện tích, chủ nhà vẫn có thể trồng trọt quanh đó được; khi mạng Viettel khai trương, chủ nhà hoặc con em họ có thể làm nhân viên đại lý bán hàng cho Viettel… Chính bằng các chiêu dân vận đó, anh em Viettel đã thuê thành công vị trí để triển khai lắp đặt mạng lưới. Với 75 ngày đêm dốc toàn lực thực hiện, 100% các nhà trạm đã được hoàn thành, có trạm về trước kế hoạch gần một tháng so với dự kiến”, ông Quang kể.
Ăn chuối, xoài… thay cơm
Năm 2010, thảm hoạ động đất đã phá hủy gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng và khiến hơn nửa triệu người Haiti thiệt mạng. Đây cũng chính là thời điểm Viettel vừa mua xong mạng viễn thông Natcom (liên doanh giữa Viettel và Teleco – công ty của Haiti) và bắt đầu sang đầu tư tại quốc đảo Caribe này. Ông Tô Mạnh Hải, Giám đốc chi nhánh Natcom tại thủ đô Port-au-Prince nhớ lại: “Động đất đã khiến cho quốc gia này trở thành bình địa đổ nát. Ngay dinh tổng thống cũng bị phá hủy hoàn toàn, người ta phải dựng tạm lều bạt để làm việc.

Haiti hoàng tàn sau vụ động đất

Sau thảm họa động đất, cả nhân viên Việt Nam và nhân viên bản địa chỉ ăn trưa đơn giản hai món trứng và chuối. Ông Hải kể rằng, trong một chuyến đi xuống kiểm tra hệ thống bán hàng ở tuyến huyện, khi vào nhà trọ của một nhân viên tên Minh, nhìn thấy bếp có dấu hiệu đã lâu không nổi lửa, ông hỏi có nấu cơm ăn không thì Minh trả lời là có, nhưng sau khi gạn hỏi thì cậu nhân viên này thú thật chỉ ăn chuối, xoài cả tháng thay cơm. “Lúc đó, tôi ôm lấy Minh và 2 anh em đều khóc. Tôi thương cậu ấy bởi ngoài chuyện không ăn cơm, cậu còn phải chịu nhiều áp lực khác khi phải bán hàng và giữ gìn tiền bạc. Khi bán hàng về xong tối phải ra vườn, đào hố chôn tiền xuống cất dấu bởi tình hình Haiti sau vụ động đất rất hỗn loạn. Lúc mới đến, Minh là một cậu thanh niên dáng rất thư sinh, tưởng sẽ chẳng trụ nổi. Vậy mà sau vài tháng gặp lại, cậu ấy trông rắn rỏi hơn rất nhiều, đến râu ria xồm xoàm chẳng kịp cạo”, ông Hải xúc động kể lại.
Sau hơn 1 năm xây dựng hạ tầng, tháng 9/2011, Natcom chính thức khai trương. Chỉ trong thời gian ngắn, Natcom đã đứng số 1 Haiti về di động tại nước này với gần 1.000 trạm thu phát sóng. “Khó khăn ở đâu chẳng có. Nói khó mãi thì được gì đâu? Cứ làm và coi nó như chuyện vui thôi. Kể chuyện khổ lắm, khó lắm nghe nó thế nào ấy. Anh em Viettel đi thị trường, trên khắp các nước khác, chỗ nào chả khó”, ông Hải nói với nụ cười thanh minh chứ không muốn người khác nghĩ mình đang kể lể.
Kỳ tích mang tên Việt Nam
Nói đến gian khổ mà không kể tới Peru thì quả là thiếu sót. Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Viettel nói rằng, việc đầu tư nước ngoài của Viettel cũng giống như một trận đánh. Ban Giám đốc có nhiệm vụ đi tiền trạm nghiên cứu trước xem mở mặt trận nào. Sau đó, đến những người Viettel được đưa sang đây để đi mở mạng. Không thông thạo tiếng bản địa, hành trang chỉ là chiếc la bàn, tấm bản đồ, nồi niêu, thực phẩm và một ít tiền, thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, chính những con người này đã biết cách tìm địa điểm và xây dựng trạm BTS. Những người Viettel đi mở mạng đóng vai trò như một người lính trinh sát đi nắm địa bàn, khảo sát vị trí và tiến hành vận chuyển thiết bị…
Người Viettel có triết lý “vào đất chết để tìm đường sống”. Những con người Viettel như vậy đã băng rừng, vượt sông Amazon để kéo cáp quang và phủ sóng di động khiến các đối thủ ở Peru không thể tưởng tượng nổi. Câu chuyện những người “lính” Viettel phủ sóng tại tỉnh Loreto – điểm khó khăn nhất vùng rừng già Amazon – của Peru là một ví dụ. Khác biệt về ngôn ngữ, khi mới đến, nhân viên của Viettel đi đâu cũng sợ, nói chuyện với người bản địa chỉ bằng ngôn ngữ tay chân. Lúc đói quá, muốn mua con gà của người dân ở đây để thịt thì chỉ biết chỉ vào bụng mình và chỉ vào con gà của họ. Để học tiếng, đi đâu nhân viên cũng phải mang quyển sổ để ghi lại tiếng bản địa. Ví dụ như họ sẽ chỉ vào cái xoong, nhân viên ghi lại theo phiên âm tiếng Việt và cứ tối về là lẩm nhẩm đọc lại đến lúc thuộc.
Ông Sơn cho biết, sợ nhất ở vùng Amazon là rừng cây rậm rạp muỗi, rắn nhiều. Muỗi Amazon đốt là thối thịt, nhiều khi dị ứng và phát ốm. Nhưng rồi ở riết cũng thành thân quen. Bản lĩnh Viettel và trí tuệ người Việt càng được rèn giũa và thử thách thì càng quyết tâm hơn. Khi mạng 3G được phủ khắp tỉnh Loreto năm 2014, đối thủ của Viettel đã phải thốt lên: “Đúng là kỳ tích – kỳ tích mang tên Việt Nam”.
Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho biết: “Nhờ kinh nghiệm làm tại nhiều quốc gia khó khăn nên việc xây dựng tổ chức và tuyển chọn nhân viên tại những nơi này được chúng tôi đặc biệt chú ý. Người Viettel đi nước ngoài không chỉ được trang bị kiến thức mà còn phải có ý chí, sức khỏe, sự quyết tâm, và có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống”.

Theo: ICTnews.vn